Dù được đánh giá là ngành nghề giàu tiềm năng phát triển, đem đến chất lượng sống tốt hơn cho người lao động nhưng nghề spa vẫn bị bủa vây bởi nhiều định kiến hà khắc như “chỉ có con gái mới học spa”, “chân yếu tay mềm thì theo nghề sao được”, “mặt phải đẹp thì mới mong có việc làm”… Trong bài viết sau, Vetabyte sẽ cùng bạn mở ra một góc nhìn khác hơn về một số vấn đề vẫn còn đang bỏ ngỏ, phần nào
lý giải những định kiến sai lầm gán cho người học nghề spa.Những năm gần đây,
học nghề spa trở thành
hướng đi được nhiều bạn trẻ lựa chọn, bởi các bạn ý thức rõ bản chất công việc, có lòng yêu thích thật sự, cũng như cơ hội việc làm mà lĩnh vực này mang lại. Tuy nhiên, không ít bạn “ngại miệng” khi nói ra nghề nghiệp của mình, bởi các bạn vẫn còn đối diện với những nhận định tiêu cực đối với nghề mình đang làm, từ gia đình, hàng xóm, người yêu… Bên cạnh đó, ngay từ đầu, nếu không làm sáng tỏ một vài vấn đề, các bạn cũng sẽ ngần ngại khi chọn nghề này. Đó là những rào cản tâm lý nào? Chúng ta cùng tìm hiểu nhé.
Muốn làm nghề spa thì phải đẹp
Đây ắt hẳn là quan niệm của phần đông mọi người khi nhắc đến nghề spa, do trước giờ chúng ta bị “bội thực” bởi hình ảnh những nhân vật với
khuôn mặt khả ái, diện mạo không tì vết xuất hiện trên các quảng cáo, truyền thông liên quan đến ngành spa. Thế nhưng, tình hình thực tế thì ngược lại.
Nhan sắc không là yếu tố bảo chứng cho thành công trong nghề này. Nếu có ngoại hình nổi bật, sáng đẹp, đó là lợi thế đầu vào khi ứng tuyển, nhưng nhà tuyển dụng lại không nhìn vào mỗi gương mặt của bạn để đánh giá, mà họ sẽ sàng lọc dựa trên vô vàn yếu tố khác như sức khỏe, kiến thức, tay nghề, thái độ, định hướng…
Đặc biệt, các spa gần đây chuộng tuyển kỹ thuật viên có làn da không quá hoàn hảo. Lý do là để chốt sale dễ dàng hơn. Cụ thể, kỹ thuật viên spa khi tư vấn có thể show cho khách xem hình ảnh tình trạng da nhiều khuyết điểm trước đó của họ, sau đó thuyết phục khách rằng nhờ sử dụng dịch vụ của spa mà có sự cải thiện như hiện tại. Khi đó, mức độ tin cậy sẽ cao hơn.
Một lưu ý khác là với những spa quy mô lớn, cao cấp, chia kỹ thuật viên và tư vấn viên thành hai vị trí riêng biệt thì sẽ có yêu cầu cao hơn về làn da đối với tư vấn viên.
Con trai ai lại đi học spa!
Hiện nay nhiều người vẫn tin rằng nghề spa chỉ dành cho nữ giới, bởi con trai nên chọn những nghề “mạnh mẽ” để làm, còn chăm sóc sắc đẹp chỉ phù hợp với con gái. Thế nhưng, thực tế đã chứng minh điều ngược lại. Giống với nghề nấu ăn, makeup, thiết kế thời trang… (vốn các chuyên gia hàng đầu, nhân vật nổi tiếng là nam giới chiếm số đông) thì với nghề spa,
nam giới cũng có khả năng chạm ngõ thành công tương tự.
Ở Việt Nam, chúng ta vẫn thấy các vị trí cấp cao tại spa/thẩm mỹ viện hoặc giảng viên đào tạo do nam giới nắm giữ. Điển hình là anh Nguyễn Công Hảo – Tổng giám đốc hệ thống Little Garden Beauty & Spa rất thành công ở nước ta hiện nay.
Không chỉ vậy, nếu dạo quanh một vòng các cơ sở đào tạo spa, bạn vẫn thấy rất nhiều bạn nam theo học. Dù số lượng không áp đảo học viên nữ nhưng sự hiện diện của các bạn nam trong lớp phần nào chứng tỏ xã hội đã cởi mở hơn với con trai học nghề spa, cũng như khẳng định nếu các bạn đủ quyết tâm và đam mê theo nghề, các bạn vẫn sẽ có công việc ổn định và gặt hái thành công.
Lớn tuổi thì khó theo nghề spa lắm!
Tương tự định kiến về giới tính thì tuổi tác cũng là vấn đề đáng “mổ xẻ”. Không ít người quan niệm rằng nghề spa chỉ dành cho những cô nàng mười tám, đôi mươi, còn những ai ngấp nghé 30 hoặc lớn hơn thì đã hết thời, có học cũng khó tìm việc làm.
Điều đáng buồn là tình hình thực tế lại phần nào giống với nhận định trên. Các chị lớn tuổi thường gặp vấn đề về sức khỏe, xương khớp, đau nhức tay chân khi học massage, hoặc cơ hội việc làm hạn hẹp hơn các ứng viên trẻ, do nhà tuyển dụng vẫn cân nhắc
tiêu chí tuổi tác.
Tuy nhiên, đa phần học viên U30, U40 khi học spa sẽ có định hướng khác với những bạn trẻ hơn. Các chị học để nâng cấp spa riêng hiện có, hoặc xác định học xong sẽ ra làm chủ nên chủ yếu họ đi học, thực tập để cọ xát thực tế nhằm có thêm kinh nghiệm tuyển chọn nhân viên cho chính họ sau này.
Ngoài ra, nếu các chị không quá phù hợp với mảng massage, thì có thể phát triển thêm ở mảng điều trị, dưỡng sinh. Xác suất thành công cũng rất khả quan.
Nhỏ con, tay yếu sẽ không học nổi
Dù rất yêu thích nhưng nhiều bạn nữ vẫn ngần ngại chọn nghề spa vì tự ti vóc dáng nhỏ nhắn, gầy gò, lực tay không đủ mạnh… Các bạn sợ khuyết điểm này cản trở việc học các động tác massage, bấm huyệt, hoặc sau này không đủ
sức khỏe để làm cho khách.
Thực ra, các phương pháp, kỹ thuật massage đều có các tư thế phù hợp để tận dụng hiệu quả lực của cơ thể và hạn chế mất sức, giúp bạn không bị hụt hơi, hết sức khi làm cho khách. Do đó, ngoại hình thon nhỏ dường như không là bất lợi to lớn khi theo nghề này. Chỉ cần bạn được đào tạo bài bản và chịu khó rèn luyện thì có thể vừa tiết kiệm sức lực, vừa khiến khách hàng hài lòng khi thực hiện. Quan trọng là bạn tìm được trung tâm dạy nghề spa uy tín và chất lượng.
Spa là nghề “việc nhẹ lương cao”
Đây là một “ảo tưởng” thường thấy về nghề spa. Khi đến spa, khách mong muốn được thư giãn cơ thể, thư thái tinh thần nên nhiều người lầm tưởng nhân viên spa sẽ làm việc với tâm thế an nhàn, hưởng thụ máy lạnh mát rượi cả ngày cùng tiếng nhạc du dương và không gian ngập tràn hương thơm hoa cỏ.
Bên cạnh đó, việc những trung tâm dạy spa thường ra rả các khẩu hiệu như “spa là nghề hái ra tiền, làm giàu không khó”, “spa là nghề một đồng vốn, bốn đồng lời”… khiến hình thành trong đầu các bạn trẻ suy nghĩ rằng spa là
nghề nhàn hạ với thu nhập cao chót vót.
Đến khi va chạm thực tế, bạn sẽ nhận ra nghề spa không hề là “việc nhẹ lương cao”. Năng lực thế nào, bạn sẽ được đánh giá đúng mức ấy. Chẳng doanh nghiệp nào ưu ái trả 20 triệu cho người hời hợt trong công việc. Ngoài ra, bản thân nghề spa cũng là nghề dịch vụ. Đã là dịch vụ thì luôn đối diện với áp lực phải làm hài lòng khách hàng, phải luôn bận rộn vất vả, tăng ca nếu thiếu nhân lực… Do đó, nghề spa không hề nhàn nhã như nhiều người vẫn lầm tưởng.
Nhìn chung, dẫu vẫn còn tồn đọng một số
định kiến trong xã hội nhưng hiện nay, nghề làm đẹp đã ngày càng được coi trọng và yêu thích hơn. Tại Việt Nam, các trung tâm dạy nghề, cơ sở đào tạo dần phát triển theo hướng chuyên nghiệp, tạo điều kiện tốt nhất cho học viên nhận được những giá trị thực tiễn để ứng dụng ngay vào công việc thực tế và có cơ hội tìm được việc làm ưng ý khi ra trường.