VCI

Thực tế các đợt dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam thời gian qua cho thấy, quản trị doanh nghiệp là bước đi, giải pháp có ý nghĩa quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) vốn có quy mô vừa và nhỏ, những đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Vì vậy, khi đợt dịch mới bùng phát và đang diễn biến khá phức tạp, câu chuyện quản trị doanh nghiệp được các chuyên gia, nhà kinh tế và chính các doanh nhân, doanh nghiệp, tiếp tục bàn luận nhiều.

quản trị doanh nghiệp

Năm 2020, khi dịch Covid-19 lần đầu bùng phát, Công ty cổ phần Đào tạo và Hợp tác Quốc tế INCOMAS, một doanh nghiệp khởi nghiệp nhỏ trong lĩnh vực giáo dục của Thạc sỹ Xã hội học, doanh nhân Trần Tú Hoa, đã gặp rất nhiều khó khăn. Bài toán làm sao để công ty trụ vững trước những khó khăn được mô tả là “chưa từng có” này, buộc Giám đốc Trần Tú Hoa phải thực hiện một loạt thay đổi, điều chỉnh liên quan đến vấn đề quản trị. Theo đó, Công ty quyết định tiết giảm tối đa chi phí với việc trả lại văn phòng đang thuê, đồng thời cho nhân viên làm việc ở nhà hưởng một nửa lương. Chưa hết, Công ty quyết định bổ sung hoạt động kinh doanh là bán sữa chua Ba Vì theo hình thức online, tận dụng trang web sẵn có của doanh nghiệp.

Giám đốc Trần Tú Hoa đã quyết định đi làm thuê cho một đơn vị khác (giữ vai trò quản lý-Tổng Giám đốc) để có thu nhập duy trì hoạt động cho Công ty. Nhờ hàng loạt thay đổi mang tính cách mạng về phương thức quản trị này, đến cuối năm 2020, Công ty NCOMAS đã mở cửa trở lại, khôi phục hoạt động đầy đủ. Doanh nhân Trần Tú Hoa chia sẻ: “Cái bài học thứ nhất là phải đổi mới sáng tạo, dám nghĩ dám làm, nắm bắt thời cơ. Cần tập trung vào những công việc có thể kiếm được dòng tiền cần thiết cho công ty. Tức là làm sao để có được sức mạnh tự thân, chứ không thể trông chờ vào người khác. Tôi đã thực hiện nhiều thay đổi. Chúng tôi cho rằng không nên bảo thủ cố gắng giữ đam mê. Thay vào đó, phải tìm cách đa dạng hóa kinh doanh. Theo đó, là đơn vị hoạt động về mảng giáo dục, nhưng chúng tôi đã quyết định mở rộng hoạt động sang mảng kinh doanh. Việc kinh doanh này nhằm lấy ngắn nuôi dài, duy trì thu nhập trước mắt, thích ứng với thực tế xã hội hiện nay”.

Theo Thạc sỹ Lê Minh Đạo, Giảng viên khoa Kinh tế và Quản trị Doanh nghiệp, Đại học Lâm Nghiệp, Chuyên gia tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp của Bộ Công thương, câu chuyện chấp nhận thay đổi để vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19 của Công ty NCOMAS và doanh nhân Trần Tú Hoa, là một trong rất nhiều ví dụ thực tế sinh động về khả năng vượt khó của doanh nghiệp Việt nói chung, các startup nói riêng, trong bối cảnh đại dịch.

Từ thực tế này cộng với kinh nghiệm có được sau một thời gian dài học tập và làm việc tại Cộng hòa Liên bang Đức, Thạc sỹ Lê Minh Đạo cho rằng, để vượt qua khó khăn, điều quan trọng nhất là doanh nghiệp, doanh nhân phải có quyết tâm và nỗ lực: “Để vượt qua khủng hoảng hiện nay, thì các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ nên rà soát, đánh giá lại yếu tố môi trường vĩ mô, những yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong từng lĩnh vực. Thứ hai là tìm kiếm cơ hội, nguồn lực thay thế, các cơ hội hợp tác mới, dám chấp nhận cái mới, tìm kiếm các cơ hội mới, thị trường mới, cung cấp cho khách hàng những sản phẩm, dịch vụ mới. Phải nhân cơ hội này, nâng cao năng lực cạnh tranh trong nước cũng như quốc tế. Trong công tác quản trị doanh nghiệp cần chú ý tới 5 mảng cơ bản là: cải thiện năng suất; nâng cao chất lượng dịch vụ; cắt giảm chi phí và giảm thiểu lãng phí không cần thiết; cải thiện logistic, giao hàng làm sao đưa hàng hóa đến tay người tiêu dùng một cách nhạnh nhất với chất lượng tốt nhất; cải thiện môi trường làm việc cho người lao động. Ngoài ra, chú ý nền tảng văn hóa và giá trị nhân văn của doanh nghiệp, đặc biệt là củng cố niềm tin, sự gắn kết, đồng lòng vượt qua khó khăn”.

quản trị doanh nghiệp

Cùng quan điểm này, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cũng cho rằng: “Việc duy trì, trụ vững của doanh nghiệp và có thể phát triển sau đại dịch như thế nào, một mặt phụ thuộc vào môi trường kinh tế, nhưng một mặt phụ thuộc vào chính sự nỗ lực của các doanh nghiệp. Trong giai đoạn ngắn hạn này, điều quan trọng đối với doanh nghiệp là phải tiết giảm chi phí, cố gắng giữ công ăn việc làm cho người lao động bằng nhiều biện pháp. Đợt khủng hoảng này, thị trường thế giới sẽ được tái cấu trúc lại. Các nền kinh tế sẽ chú trọng bảo vệ thị trường trong nước nhiều hơn. Đối với nước ta, thị trường gần 100 triệu dân sẽ là tài nguyên rất lớn mà các doanh nghiệp của chúng ta có thể khai thác”.

Để thích ứng trong bối cảnh đại dịch Covid-19 như hiện nay, mỗi công ty, doanh nghiệp cần xây dựng cho mình phương thức quản trị và hoạt động linh hoạt, phù hợp. Trong đó, cần chú ý tới vấn đề đào tạo, tự đào tạo; xây dựng môi trường và văn hóa làm việc; kiên định mục tiêu nhưng không bảo thủ về cách làm; xác định rõ các sứ mệnh, giá trị cốt lõi, tầm nhìn mà doanh nghiệp theo đuổi

Bài viết liên quan

img

BVS

CTCP Chứng khoán Bảo Việt...

img

MBS

Công ty CP Chứng khoán MB...

img

SHS

Công ty cổ phân chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội...

img

VIX

CTCP Chứng khoán VIX được Ủy Ban Chứng khoán Nhà nước chính thức cấp Giấy phép thành lập và hoạt động số 70/UBCK-GP ngày 10 tháng 12 năm 2007 với tên gọi ban đầu là Công ty Cổ phần Chứng khoán Vincom...

img

VND

CTCP Chứng khoán VNDIRECT...

img

VDS

CTCP Chứng khoán Rồng Việt...